Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

TÁC DỤNG CỦA YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TRUYỀN KÌ MẠN LỤC - NGUYỄN DỮ

1. Thỏa mãn nhu cầu tưởng tượng và đời sống tâm linh
1.1. Thỏa mãn nhu cầu tưởng tượng lãng mạn
 Con người cần đến tưởng tượng để thăng hoa và lạc quan hơn trong cuộc sống. Để thoát ra khỏi hiện thực cuộc sống chật chội tù túng, các nhà văn đã dùng nhiều phương thức để thoát ly. Có một con đường giúp người ta thỏa mãn mong muốn ấy đó chính là thoát ly vào thế giới kỳ ảo. Bước vào thế giới kỳ ảo, chính là cách để nhà văn thỏa mãn được những khát khao giải phóng cá tính và giải phóng tự do cá nhân của con người. Bước vào thế giới kỳ ảo còn là nơi để nhà văn cân bằng đời sống tinh thần. Ở Truyền kỳ mạn lục, sự tự do không bị ràng buộc về ranh giới của không gian, thời gian phần nào thể hiện nguyện vọng của con người về vật chất và tinh thần mà thực tại nhỏ hẹp không thực hiện được. Đó còn là khát vọng giao hòa tuyệt đối giữa cá nhân với vũ trụ, là ước vọng xóa bỏ những đường ranh của thế giới khái niệm luôn ràng buộc con người, thường gây đau khổ nhiều hơn tạo ra hạnh phúc. Trong đó có sự nới rộng không gian sinh hoạt sang một cảnh giới khác là thế giới phi hiện thực. Trong thế giới phi hiện thực, những tình huống của cuộc sống con người có thể xảy ra ở bất kỳ đâu: âm phủ, cõi trần, cõi yêu ma, cõi quỷ thần, cõi tiên…. Dù là không gian phi hiện thực nhưng sự kết nối vẫn rất dễ dàng vì không có sự ràng buộc về thời gian. Nhân vật có thể đi từ không gian thực sang không gian ngoài thế tục. Từ Thức trong Từ Thức gặp tiên là sự chuyển tiếp từ không gian thực đến không gian ngoài thế tục của cảnh tiên, hay Chuyện Người con gái Nam Xương, Truyện đối tụng ở Long Cung là sự mở rộng không gian sang một thế giới khác, chốn long cung. Nhiều khi nhân vật cũng lạc bước xuống thế giới của cỏi âm như Tử Văn trong Truyện chức Phán sự đền Tản Viên, viên quan họ Hoàng trong Truyện yêu quái ở Xương Giang bị hồn ma kiện dưới âm phủ nên bị bắt xuống để xét xử, Lý Thúc Khoán trong Truyện Lý tướng quân được một người bạn là Phán quan đưa xuống âm phủ xem cảnh xét xử cha mình…
Thời gian trong Truyền kỳ mạn lục cũng được nới rộng một cách đặc biệt. Sự gặp gỡ giữa các nhân vật nhiều khi không có sự ràng buộc của thời gian. Trình Trung Ngộ gặp và yêu Nhị Khanh, một hồn ma đã chết cách đó nửa năm. Chàng thư sinh Hà Nhân yêu hai cô gái vốn là tinh hoa của một vọng tộc suy tàn cách đó hai mươi năm.
Mặt khác, mối quan hệ tình yêu, hôn nhân giữa các chàng trai và các hồn ma trong tác phẩm diễn ra một cách thoải mái, dễ dàng và đơn giản với sự hiện diện của yếu tố tính dục. Đó có thể là khát vọng giao hòa tuyệt đối giữa cá thể với vũ trụ được thể hiện qua ngôn ngữ tình yêu và ngôn ngữ tình dục. Bởi tình yêu trong truyện Truyền kỳ là kiểu tình yêu vô điều kiện giống như những khoảnh khắc hòa nhập ngắn ngủi nhưng tuyệt đối giữa con người với cái vô cùng vô tận của vũ trụ.
Trong thế giới khác thường, kỳ lạ ấy những câu chuyện về tình đời, tình người được tác giả gởi gắm một cách tài tình thông qua những biến cố, sự kiện của tác phẩm. Đó chính là sức hấp dẫn của truyện mà hiệu quả nghệ thuật của nó được tạo ra từ chính khả năng tưởng tượng độc đáo của nhà văn.
Yếu tố kỳ ảo có tác dụng như một chất kích thích giúp nhà văn phát huy cao độ trí tưởng tượng của mình trong sáng tạo nghệ thuật. Đồng thời, nó còn giúp nhà văn thoát ly ra khỏi cuộc sống hiện thực để tìm vào chốn mộng ảo, cõi liêu trai.
1.2. Thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh
Đời sống tâm linh là một phần của đời sống tinh thần. Ở đó con người có niềm tin vào cái thiêng. Và ở đó con người sống chủ yếu với phần tâm linh trong mình và được thư giãn tinh thần, được cởi bỏ phiền muộn âu lo, cầu những điều tốt đẹp cho mình và cho mọi người. Chính vì thế, sự có mặt của yếu tố kỳ ảo trong văn học không chỉ thỏa mãn nhu cầu tưởng tượng của nhà văn mà còn thỏa mãn nhu cầu về đời sống tâm linh của con người. Đời sống tâm linh của người qua những biểu hiện: niềm tin vào thế giới ma quỷ (tác giả đã xây dựng môtip những nhân vật là đồ vật biến thành người như cô hầu của Nhị Khanh vốn là một pho tượng ôm hồ cầm bên cạnh linh cửu của Nhị Khanh. Hai mỹ nhân Liễu Nhu Nương và Đào Hồng Nương trong Kỳ ngộ ở trai Tây vốn là tinh hoa hóa thành. Bởi, điều đó xuất phát từ tín ngưỡng theo quan niệm dân gian của người phương Đông với thuyết vạn vật hữu linh, sùng bái tự nhiên. Tất cả vạn vật, cỏ cây đều có linh hồn khi để lâu đều có thể trở thành yêu khí. Mặt khác, trong trí tưởng tượng của người xưa những loài vật sống lâu năm tu luyện biến thành yêu tinh, yêu quái có phép lạ và hay hại người. Từ những tín ngưỡng ấy đã hóa thân thành các nhân vật trong Truyền kỳ mạn lục. Đó là những nhân vật do loài vật sống lâu năm tu luyện hóa thành người như tú tài họ Viên và xử sĩ họ Hồ trong Bữa tiệc đêm ở Hà Giang), thần thánh, phong tục thờ cúng …
Con người phương Đông luôn tin rằng hiện hữu bên cạnh thế giới hằng thường là thế giới của các thế lực siêu nhiên: ma quỷ, thần linh... Qua thời gian, với sự biến chuyển của lịch sử, xã hội niềm tin ấy có sự thay đổi dần nhưng nó vẫn duy trì cho đến ngày hôm nay. Thậm chí, ở những dân tộc đã đạt đến một xã hội hiện đại, sự xác tín về thế giới bên kia vẫn được bảo lưu dưới nhiều hình thức. Nói về thế giới bên kia bao gồm cả thiên đình, âm phủ, tiên giới. Đây là kết quả của sự tích hợp nhiều tôn giáo đặc biệt là Phật giáo và đạo giáo.
Điềm báo cũng là một loại tín ngưỡng có thực và khá phổ biến trong đời sống tâm linh của người. Điềm báo giúp con người biết trước sự dỡ – hay, may – rủi… sắp và sẽ xảy ra trong cuộc sống. Đó không phải là sự chiêm đoán mà còn là sự chiêm nghiệm từ thực tế. Tìm vào kho tàng văn học cổ, chúng ta sẽ nhận thấy có rất nhiều những tác phẩm in đậm dấu ấn của loại tín ngưỡng này.
Yếu tố kỳ ảo đóng một vai trò quan trọng trong việc hiển hiện đời sống tâm linh, tín ngưỡng của con người. Đó là niềm tin mãnh liệt, thiêng liêng của con người vào phép nhiệm màu, huyền bí của đất trời, của thánh thần, của cuộc đời. Niềm tin ấy giúp con người tin tưởng lạc quan và hướng thiện hơn trong cuộc sống.
2. Phản ánh hiện thực
2.1. Hiện thực đời sống tâm linh
Có thể nói văn xuôi trung đại đã là một bộ phận quan trọng tạo nên giá trị và sắc màu riêng cho cả thời đại văn học. Trải qua các chặng đường phát triển, bộ phận văn học này đã dần thoát ra khỏi ảnh hưởng của lối văn chép sử, hay sưu tầm, ghi chép truyện dân gian để trở thành những tác phẩm văn học thể hiện sức sáng tạo dồi dào, mang hiệu quả thẩm mĩ cao. Với nhiều biểu hiện văn hoá tâm linh đặc sắc, văn xuôi trung đại nói chung và truyện ngắn trung đại nói riêng không chỉ là bộ phận văn học có giá trị to lớn về mặt văn hoá tín ngưỡng mà còn có giá trị cao về mặt nghệ thuật trong việc thể hiện sâu sắc tư tưởng và phản ánh đời sống hiện thực muôn màu, trong đó nổi bật hơn cả là hiện thực đời sống tâm linh với các yếu tố kì ảo.
Đi sâu vào khai thác chiếm lĩnh đời sống tâm linh cùng những trạng thái tâm lí tinh thần đầy bí ẩn của con người là điều mà văn học mọi thời có xu hướng quan tâm. Riêng đối với truyện ngắn trung đại Việt Nam, đó trước hết như một giá trị tự thân bởi chính những yếu tố kì ảo được khảo sát, phân tích là biểu hiện của đời sống tâm linh, của hiện thực tâm linh: một đời sống tâm linh có hạt nhân cơ bản là niềm tin thiêng liêng, một hiện thực tâm linh được tạo nên bởi thế giới quan duy tâm siêu hình.
Ngày nay chúng ta cho rằng không có thần linh, nên cầu cúng, thuật số…là mê tín, là phản khoa học. Nhưng đối với người xưa, cuộc sống không thể thiếu thần linh, Trời đất với quyền năng vô hạn chi phối con người trần thế. Đó là tư duy, là quan niệm, là cách cảm nhận thế giới của họ. Vì vậy mà như đã phân tích cụ thể, thần linh luôn ngự trị trong đời sống con người qua nhiều hình thức khác nhau (thờ cúng, giấc chiêm bao, phép thuật…). Và cũng với niềm tin thiêng liêng thành kính của mình, con người đã nhận được lẽ “cảm ứng” tương hợp nhiệm màu từ thế giới ấy.
Thần linh trong tín ngưỡng của người Việt dù là anh hùng dân tộc hay là linh khí của non sông hay vừa là anh hùng dân tộc vừa là linh khí non sông thì đều được nhân dân sùng bái, ngưỡng mộ và thờ cúng. Họ không chỉ linh ứng phù trợ cho nhân dân mỗi khi cầu mưa, đảo tạnh hay cầu cúng van vái bất cứ điều gì, mà còn tham gia đắc lực vào các công việc triều chính giúp các nhà vua.
Từ những motip thụ thai thần kì, phong thuỷ giải thích sự ra đời của các nhân vật danh nhân, đấng bậc đến các motip phán số, gieo quẻ (Nghiệp oan của Đào thị), hồn ma báo mộng (Cây gạo)…liên quan đến sự hiển vinh, con đường quan hoạn của các nho sinh; từ motip điềm báo số mệnh, thần ma báo mộng liên quan đến vận hạn, mệnh số con người đến sự linh ứng từ tướng số phép thuật theo qui luật nhân quả (sư cụ Pháp Vân đã giúp nhà Nhược Chân tiêu diệt  hai yêu quái trong Nghiệp oan của Đào thị )v.v…tất cả đều phản ánh một cách chân thực sinh động hiện thực đời sống tâm linh con người.
Quan niệm nhân quả, báo ứng nhãn tiền cũng là một quan niệm thực tế chi phối đời sống các tầng lớp nhân dân. Thông qua các yếu tố có tính thần kì, quan niệm ấy thể hiện sâu sắc hơn, linh diệu hơn. Để lí giải cho những vấn đề của cuộc sống thực tại trong lúc trật tự đảo điên, cương thường đổ nát ở các thế kỉ XVII-XIX, các tác phẩm trong Truyền kì mạn lục đều mượn đến những quan niệm họa phúc của nhà Phật bên cạnh những thuyết pháp của Đạo giáo để chuyển tải nhiều tư tưởng tín ngưỡng dân gian một cách “lí luận”, “hệ thống” hơn. Thế giới trong cảm quan của người xưa quả có sự ân đền oán trả phân minh, thiên đường dành cho người tốt còn địa ngục dành cho kẻ xấu. Kẻ ác độc xấu xa nếu không bị trừng phạt lúc sống thì sẽ bị hành hạ đày đoạ lúc chết. Bởi thế giới ấy có “đèn trời” soi tỏ.
Nếu có thể gọi các thế lực siêu hình trong quan niệm tâm linh của người đương thời một cách chung nhất là thần linh thì cũng có thể vắn tắt hiện thực đời sống tâm linh với tư tưởng thần linh chủ nghĩa. Dưới hình thức của cái kì ảo, các hiện tượng tâm linh chính là hiện thân sức mạnh thần linh trong đời sống tín ngưỡng con người. Những yếu tố ấy, ở phương diện tích cực nhất phản ánh đời sống dân tộc với phong tục tập quán, niềm tin thiêng liêng và mang lại cho tác phẩm hiệu quả nghệ thuật đặc sắc: phản ánh và sáng tạo một hiện thực mới- hiện thực của niềm tin, hiện thực tâm linh.
2.2. Hiện thực đời sống xã hội
Bên cạnh thể hiện đời sống tâm linh với những điều kì lạ siêu nhiên và những quan niệm sâu xa về thế giới bên kia, các yếu tố kì ảo trong Truyền kì mạn lục còn có tác dụng to lớn trong phản ánh hiện thực đời sống xã hội đương thời với những vấn đề cơ bản nhất. Không bao hàm toàn bộ cái kì của truyện truyền kì, cái quái của truyện thần quái, song về cơ bản các yếu tố tâm linh trên đều hiện diện với tính chất kì lạ. Nó chẳng phải là cái gì xa lạ mà là chính hiện thực đời sống- hiện thực được “lạ hoá”, “ảo hoá” mà thôi. Những yếu tố này không chỉ tồn tại dưới dạng tư duy, nếp cảm, nếp nghĩ của người đương thời, trong ý thức của mình các tác giả còn sử dụng chúng như một thủ pháp nghệ thuật - hạt nhân tự sự quan trọng trong kết cấu tác phẩm nhằm phản ánh cái thực của xã hội. Hai yếu tố kì ảo và thực, do đó mà có mối liên hệ chặt chẽ. Cái kì ảo làm cho cái thực trở nên lạ hơn và làm cho chính nó trở nên thực hơn.
Ở những chặng đường phát triển khác nhau của nền văn xuôi trung đại, hiện thực đời sống xã hội được phản ánh có nhiều nét khác nhau. Với bút pháp vừa hài hoà vừa uyên bác, giàu tính phóng tác, hư cấu, Truyền kì mạn lục và nhiều tác phẩm thế kỉ XVIII-XIX đã tái hiện khá bản chất hiện thực xã hội đương thời, đặc biệt thân phận con người trong buổi chiến tranh li loạn. Người dân còn luôn bị bọn lưu manh quấy nhiễu, cướp bóc, “nạn trộm cắp vặt”, “nạn đàn bà con gái bị trêu ghẹo ngày càng hoành hành”. Đó là chân tướng của hai pho tượng hộ pháp trong ngôi chùa hoang biến thành người bắt trộm cá, kéo ngã mía của dân ăn (Đông Triều phế tự lục)…. Rõ ràng, ngoài hiện thực xấu xa của xã hội và sự đê tiện của một lớp người thì nhiều truyện kể trong dòng giải thiêng thần Phật còn làm lộ rõ mặt tiêu cực của Phật giáo thời kì này. Trong cái xã hội ô trọc đương thời, Phật điện cũng là nơi ẩn nấp của bọn vô lại chuyên nghề trộm cắp, nhà chùa cũng là nơi hành lạc, chứa chấp những kẻ gian dâm du đãng. Thầy chùa phần nhiều là những kẻ không theo được lối sống chân tu khổ hạnh nên cũng sa đà vào những cuộc tình duyên say đắm đầy lạc thú (Đào thị nghiệp oan kí). Ngòi bút miêu tả tài tình của Nguyễn Dữ đã làm cho hiện thực trở nên sống động hơn, hư hư thực thực- cái thực nhờ cái hư ảo. Bằng bút pháp của truyền kì, tác giả đã cho thấy nguyên nhân thúc đẩy sự suy đồi của xã hội phong kiến chính là đồng tiền, quyền lực và những quan niệm nhân sinh có tính chất thị dân. Đặt nhân vật vào các thế giới ảo, thân phận con người trước những thế lực đen tối được phản ánh rõ nét hơn, giá trị phê phán của tác phẩm càng sâu sắc hơn. Thần Thuồng luồng (Long đình đối tụng lục) lợi dụng quyền lực của loài thuỷquái mà bắt phu nhân quan Thái thú. Đồng tiền và thói ham sắc dục cũng khiến cho nhiều người phải trả giá: Trình Trung Ngộ si mê ân ái với hồn ma Nhị Khanh mà bỏ mạng (Mộc miên thụ truyện), gã phú thương họ Phạm bị giảm thọ 10 năm vì ham mê nữ sắc mà bệnh tình điêu đứng (Xương Giang yêu quái lục). Phê phán quyền lực, đồng tiền và cũng qua những cuộc “kì duyên” đó, tác giả Truyền kì mạn lục thẳng thắn phê phán lối sống đồi bại của những nho sĩ truỵ lạc, lái buôn hãnh tiến, đặc biệt những nho sinh đam mê sắc dục mà bê tha học hành. Quan niệm sống hưởng lạc “Nghĩ đời người ta chẳng khác gì giấc chiêm bao. Chẳng bằng trời để sống ngày nào, nên tìm lấy những thú vui kẻo một sớm mai chết đi sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân cũng không thể được nữa” (Mộc miên thụ truyện) thật xa lạ quan niệm lành mạnh về cuộc sống và tình yêu của nhân dân. Tác giả lên án và cũng là đấu tranh giữ gìn phẩm giá con người.
Ngoài ra, phê phán lối sống phóng dục bằng việc phủ màu sắc li kì ma quái lên những cuộc tình phóng túng còn là vấn đề thuộc thi pháp của văn học trung đại. Cái ảo ở đây đóng vai trò như là một biện pháp đối phó với sự cấm kị của tư tưởng diệt dục, quả dục đương thời. Trong không gian văn hoá của Nho và Phật, để có thể nói ra cái bản năng tình dục của con người thì những vỏ bọc của sự ma quái là cần thiết. Nó có ý nghĩa là bức bình phong che chắn búa rìu dư luận. Hẳn người đọc cũng nhận ra mục đích kể chuyện về sức mạnh của yếu tố bản năng vốn được xem có ma lực quyến rũ và đáng sợ như ma mãnh mà các tác giả, tiêu biểu là Nguyễn Dữ chuyển tải qua motip sắc dục này.Ta có thể thấy điều này ở tác phầm Nghiệp oan của Đào thị. Nương náu nơi nhà chùa nhưng Đào thị (tức Hàn Than) vẫn lén lút tư thong, ân ái với Vô Kỷ. Hay trong truyện Yêu quái ở Xương Giang ta cũng bắt gặp sự phê phán lối sống phóng dục của nhà văn qua chuyện tình giữa hồn ma Thị Nghi và viên quan họ Hoàng.
Bên cạnh đó, thông qua những cuộc tình duyên giữa người với ma, người với tiên, các tác giả còn lên tiếng bênh vực, phần nào cổ xuý cho những nhu cầu tình cảm, những khát khao yêu đương trần thế của con người, đặc biệt của người phụ nữ. Dù trong lốt thần tiên hay ma quỉ thì các cô gái trong Truyền kì mạn lục vẫn hiện lên với những cảm xúc chân thật nhất trong tình yêu. Họ cũng là những người phụ nữ rất thuỷ chung, cao thượng: nàng Ngoạ Vân hiếu thuận giàu hi sinh, Nhị Khanh đảm đang, tiết liệt, Lệ Nương, Dương Thị, Thuý Tiêu thuỷ chung với người yêu, với chồng. Sự hiện diện của họ giữa cõi thế đều là để hưởng hạnh phúc vợ chồng, không khí gia đình đầm ấm mà bất cứ đâu cũng không có được. Khát vọng yêu đương là lẽ thường tình của con người nhưng trong xã hội phong kiến nó đâu dễ dàng được chấp nhận. Hôn nhân của trai gái là do “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, quyền chủ động tình yêu chỉ thuộc về người con trai. Vì vậy, miêu tả những mối tình đầy chất hư ảo, ma quái, các tác giả truyện ngắn đã làm cuộc “đột phá” bất ngờ vào tường thành lễ giáo phong kiến khi đồng tình với thế chủ động của người phụ nữ, cổ vũ khát vọng hạnh phúc tình yêu chính đáng của con người. Đó cũng còn là sự khẳng định một vấn đề triết lí nhân sinh: trần thế có sức hấp dẫn kì lạ, chỉ ở trần thế mới có hạnh phúc lứa đôi và hạnh phúc lứa đôi là cuộc sống tự do, vượt khỏi mọi chế định và ràng buộc.
Thế nhưng, đưa vào tác phẩm đề tài số phận người phụ nữ trong xã hội bất công, đầy biến loạn, cũng như các tác giả Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm…các tác giả văn xuôi, tiêu biểu là Nguyễn Dữ đã phơi bày một thực trạng phũ phàng: người phụ nữ dù khuôn mình vào đạo tam tòng cũng khó tồn tại được nên họ có thể tìm đâu ra hạnh phúc?! (Thuý Tiêu truyện, Lệ Nương truyện, Nam Xương nữ tử truyện…). Ở nhiều khía cạnh khác nhau, dưới áo khoác của những hồn ma, những yếu tố kì ảo, hư huyền, họ đều ít nhiều tiêu biểu cho truyền thống người phụ nữ Việt nam: thuỷ chung, giàu đức hi sinh.
Sử dụng yếu tố kì ảo làm chất liệu nghệ thuật, các nhà văn đã phản ánh cuộc sống sâu sắc hơn, những câu chuyện lạ về loài vật, về ma quỉ thần thánh trở nên quen thuộc hơn, những điều hư ảo mà thấy rất thực. Dưới màu sắc hư ảo, thần quái, những truyện kể tâm huyết xoay quanh đề tài người phụ nữ, Nguyễn Dữ là ánh sáng tư tưởng nhân văn sáng ngời mà mà họ đóng góp vào trào lưu nhân văn chủ nghĩa trong văn học trung đại.
Một hiện thực khác cũng hiện lên không kém phần chân thực là chuyện thi cử, đỗ đạt. Thực trạng suy thoái của xã hội phong kiến thế kỉ XVIII-XIX đã kéo theo sự suy vi của Nho giáo. Mặt tiêu cực nhất thể hiện ở chốn quan trường và tầng lớp nho sinh trí thức. Môtíp thi cử ở nhiều truyện mặc dù có dáng dấp của giai thoại được ẩn sau tấm màn thần bí của những giấc mộng, cầu mộng, lời phán của thầy tướng số, phúc lộc từ đất thiêng hay ân đức tiền nhân để lại…, song từ các góc độ khác nhau, chuyện trường thi với tất cả sự thật trần trụi của nó được phơi bày.
Cùng với môtíp phong thuỷ, qua các motip thi đỗ từ giấc mộng, làm việc thiện được trả ơn, các tác giả đã “vén bức màn thần bí” của những kiểu tiêu cực trong khoa cử.  Ta có thể nhận thấy những chi tiết này trong tác phẩm Phạm Tử Hư lên chơi Thiên Tào. Tử Hư được thầy của mình là Dương Trạm báo rằng sẽ thi đỗ. Và sau bao lần thi, cuối cùng Tử Hư đã thi đỗ tiến sĩ. Dương Trạm đã yêu mến tấm lòng hiếu thảo của học trò mình và từ đó những việc “cát hung họa phúc nhà Tử Hư, thường được thầy về báo cho biết”. Những chi tiết kì ảo xen lẫn chi tiết thực đã chỉ rõ không phải các vị đại khoa đều có khả năng xứng đáng. Khoa bảng chẳng qua chỉ là phía khuất lấp của cuộc sống đầy phức tạp mà người ta thường cốche giấu. Trong tình hình Nho học suy đồi, “những người mặc áo nhà nho, đeo dải nhà nho…thường đổi họ để đi học, thay tên để ra thi”, việc thi cử trở thành bậc thang công danh bám đầy bùn nhơ. Sự đỗ đạt hiển vinh cũng không ngoài mưu lợi ích cá nhân của những ông nghè ông cống.
Một hiện thực trong xã hội lúc bấy giờ mà nhà văn còn muốn phản ánh trong tác phẩm là hiện tượng quan lại tham ô nhận của hối lộ để cái xấu, cái ác được hoành hành, người lương thiện bị đày đọa, hàm oan. Tác phẩm Truyện chức phán sự đền Tản Viên đã được Nguyễn Dữ thể hiện sâu sắc điều ấy. Hồn ma tên tướng giặc xảo nguyệt, gian mưu đã chiếm chỗ của thổ công đất Việt và hắn tác oai, tác oái, gây hại cho dân lành. Ngô Tử Văn vốn tính tình cương trực, dứt khoát đã ra tay trừng trị tên tướng giặc.  Lúc đầu Tử Văn cũng gặp nạn, suýt phải chết vì bị hồn ma tên tướng giặc ám hại. Quan lại từ cõi trần đến cõi âm đều bưng bít, che giấu sự thật, tạo điều kiện cho các xấu, cái ác lên ngôi. Cuối cùng bằng sự dũng cảm, cương trực, Tử Văn đã chiến thắng, tiêu diệt hồn ma tên tướng giặc. Truyện phản ánh hiện thực quan lại tham ô trong xã hội lúc bấy giờ và qua chiến thắng của Ngô Tử Văn còn thể hiện sâu sắc tinh thần dân tộc, đề cao phẩm chất kẻ sĩ. Kết thúc có hậu của truyện cũng chứng tỏ Nguyễn Dữ đã tìm về cội nguồn truyền thống nhân đạo và yêu nước của dân tộc Việt Nam từng được thể hiện trong nhiều câu chuyện cổ tích: chính nghĩa thắng gian tà, tinh thần dân tộc chống ngoại xâm.
Chỉ với một vài nét gợi, các yếu tố tâm linh trong Truyền kì mạn lục với hình thức của cái kì ảo, hoang đường đã nói lên nhiều vấn đề của hiện thực đương thời. Lấy cái ảo để nói cái thực, tạo nên một thế giới thực - ảo lẫn lộn là một thành công nghệ thuật đáng kể của truyện ngắn thời kì này.
3. Thể hiện tư tưởng
Sử dụng yếu tố kì ảo như là một thủ pháp nghệ thuật, qua hiện thực được phản ánh, tác giả còn gửi gắm nhiều quan niệm, tư tưởng sâu sắc. Tác giả đã thể hiện rõ ý thức về tâm linh, sự hướng về quá khứ, cội nguồn truyền thống quí báu của dân tộc. Đi tìm niềm tự hào dân tộc trong những hiện tượng có tính chất thần kì là một xu hướng tư tưởng phổ biến đáng quí của các môn đệ cửa Khổng sân Trình. Đó còn là niềm tin vào một thế giới khác hẳn thế giới trần tục con người tồn tại- thế giới có quỷ thần chí quái nhưng ân oán rạch ròi. Qua đây người đọc các thế hệ như được củng cố thêm niềm tin vào sự hiện diện của đời sống tâm linh của con người đương thời. Không phải thế giới đầy ma quái rùng rợn trong các truyện thần quái hay thế giới bồng lai thoát tục trong nhiều truyện truyền kì Trung Quốc, các thế giới ảo trong Truyền kì mạn lục (âm phủ, thuỷ cung, tiên giới, thiên đình) rất gần với thế giới thực, là diện mở rộng của thế giới thực để qua đó con người nói lên khát vọng về cuộc sống, lí tưởng về sự công bình. Những nơi ấy cũng có cơ cấu tổ chức như ở cõi thế nhưng khác là, những gì không thể thực hiện được ở trần gian lại có thể thực hiện được ở đây.
Thế giới thuỷ cung chính là nơi quan thái thú vạch mặt tên thuỷ quái háo sắc và cứu phu nhân trở về (Long Đình đối tụng lục), là nơi nàng Vũ Nương đựơc phu nhân Long Hầu giúp để tâm hồn được siêu thoát (Nam Xương nữ tử truyện). Còn âm phủ là nơi trừng trị đích đáng tên tham quan ô lại Lý Hữu Chi (Lý tướng quân truyện).
 Nếu cõi âm là nơi phán xét thì thượng giới, cõi tiên bồng là nơi ban thưởng cho người có tài đức trong cuộc đời. Thầy Dương Trạm được thượng đế khen có bụng tốt, biết trọng chữ nghĩa thánh hiền nên khi từ trần được giao việc trông coi thi cử ở  Thiên Tào (Phạm Tử Hư du thiên tào lục).
Là không gian đậm chất kì ảo, thế giới mộng cũng là không gian mang ý nghĩa tư tưởng. Ở đó, ngoài các nhân vật là tiên, là hồn ma hay những người có phép thần có khả năng đi mây về gió, thì những con người bình thường cũng đôi khi được lạc vào đó để có những phút giây chứng kiến cuộc sống ở thế giới khác mình. Ở đó, con người có được cơ hội xúc tiếp thần linh, thấy được “phép nhiệm màu thần thánh”. Và hơn hết, ấy là nơi mà nhân dân qua nhiều thế hệ có thể “gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình, cùng với thơ và mộng” gửi gắm bao ước mơ khát vọng về những điều tốt đẹp cho cuộc sống - những điều “nên có và có thể có” (các truyện về giấc mộng báo đường quan hoạn, đỗ đạt hiển vinh, mệnh số, nhân duyên). Tạo ra những cuộc “kì ngộ” giữa người với thần, với tiên, để nhân vật lạc vào thế giới của thần tiên chính là điểm gặp gỡ của các tác giả truyện với nhân dân trong tinh thần lãng mạn bay bổng và mong ước cao xa mà rất đỗi bình dị về một cuộc sung túc đẹp đẽ như tiên giới giữa cuộc đời này.
Truyện ngắn trung đại nói chung, Truyền kỳ mạn lục nói riêng sử dụng chất liệu của huyền thoại không phải chỉ là đưa người đọc đến với thế giới quan thần linh, mà còn dùng nó như một phương thức nghệ thuật chuyển tải nhiều nội dung tư tưởng sâu sắc. Những câu chuyện được kể không còn dừng lại ở việc ghi chép mà trở thành sản phẩm sáng tạo với tiêu chí “trong ảo có lí, trong kì có tình”. Suy cho cùng, động cơ sáng tác truyện có tính kì ảo ở đây không nằm ngoài phạm vi “tải đạo ngôn chí” cũng như lối diễn đạt ngụ ý của nghệ thuật trung đại.

                                      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét