Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Vấn đề con người trong đời sống gia đình qua hai tiểu thuyết "Gia đình" của Khái Hưng và "Mùa lá rụng trong vườn" của Ma Văn Kháng

1. Vấn đề con người trong đời sống gia đình trong văn học
Văn học là nhân học, xét cho cùng cái đích đến của nhà văn trong mọi tác phẩm văn chương chính là con người. Con người được văn chương khai thác dưới nhiều góc độ khác nhau, trong đó vấn đề con người trong đời sống gia đình được nhiều nhà văn quan tâm và đi sâu khai thác.
Từ đầu thế kỉ XIX vấn đề con người trong đời sống gia đình đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm từ nhiều thể loại: truyện ngắn Câu chuyện gia đình - Nguyễn Bá Học, vở kịch Chén thuốc độc, Tòa án lương tâm của Vũ Đình Long, tiểu thuyết Cha con nghĩa nặng của Hồ Biểu Chánh. Sang đến những năm 30, các tác phẩm viết về đề tài này trở nên dồi dào: Làm lẻ - Mạnh Phú Tư, Thừa Tự, Gia đình - Khái Hưng, Lá ngọc cành vàng - Nguyễn Công Hoan, Đoạn Tuyệt - Nhất Linh…và về sau ngày càng phát triển nhiều hơn. Văn chương là hình thái ý thức xã hội, nên những tác phẩm văn chương tái hiện lên bức tranh về những gia đình khác nhau trong những bối cảnh lịch sử xã hội khác nhau. Nhưng nhìn chung, đó là sự trăn trở của các nhà văn trước những thay đổi, đấu tranh giữa quan niệm cũ và mới, giữa cái truyền thống và cái cách tân, những cái xấu và cái đẹp từ đạo lí và cách cư xử của con người.
Nói đến con người trong văn học là nói đến tính nhân văn. Theo quan điểm của Giáo sư Đặng Thai Mai: Chủ nghĩa nhân văn là hệ một thống tư tưởng lấy cõi người, lấy con người làm trọng. Những công cụ kiến thiết về văn hoá, văn chương cũng phải hướng đến con người.
             Quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh: Chủ nghĩa nhân văn không phải là thứ tình thương, lòng trắc ẩn của con người mà đó là lòng tin không bờ bến đối với con người. Tin vào khả năng, lương tri của con người, dù con người đó có những lỗi lầm. Đối với con người phải lấy lòng khoan dung độ lượng. Đối với cách mạng thì phải biết làm cho mỗi phần tốt của con người trỗi dậy và làm cho phần xấu mất đi.
            Quan điểm mát-xít: Nói đến chủ nghĩa nhân văn là nói đến cách nhìn nhận, đánh giá con người, đặc biệt là nói đến giá trị, năng lực của con người.
            Tóm lại: Dù cách nói có khác nhau nhưng tất cả những quan điểm trên đều có một điểm chung: Đó là quan niệm về chủ nghĩa nhân văn trong nghệ thuật nói chung là sáng tạo vì con người, hướng đến con người, tin tưởng vào năng lực và lương tri của con người.
2. Vấn đề con người trong đời sống gia đình qua hai tiểu thuyết Gia đình của Khái Hưng và Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng
2.1. Vấn đề con người trong đời sống gia đình qua tiểu thuyết Gia đình của Khái Hưng
Sinh trưởng trong gia đình quan lại phong kiến, Khái Hưng hiểu rất rõ những xung đột về tiền tài, về nếp sống, tư tưởng, tâm lý của tầng lớp trưởng giả. Bản thân nhà văn từng chịu cảnh dì ghẻ con chồng với biết bao nhiêu nỗi khổ đau khiến ông vô cùng căm ghét. Nhà văn lại được học hành, tiếp xúc với văn hoá phương Tây, thích lối sống phóng túng, yêu mến những tư tưởng tự do, cá nhân, bình đẳng, bình quyền, nhân đạo... chính vì thế chống lễ giáo và đại gia đình phong kiến, đòi tự do yêu đương, tự do kết hôn, chống chế độ đa thê để tránh bi kịch dì ghẻ con chồng, chống hủ tục, tập tục lạc hậu...là những đề tài thể hiện tính nhân văn sâu sắc luôn xuất hiện trong sáng tác của ông.
Trong tiểu thuyết Gia đình, Khái Hưng đã phơi bày thực trạng thối nát của đại gia đình phong kiến, và những thối nát tồn tại trong xã hội đương thời mà cụ thể là trong chốn quan trường, đó là phần hiện thực thể hiện tính nhân văn trong tác phẩm của Khái Hưng. Sự biến đổi của hình thái kinh tế xã hội từ chế độ phong kiến phương Đông cổ truyền sang xã hội thực dân nửa phong kiến đã làm biến đổi sâu sắc đời sống văn hoá xã hội. Đại gia đình truyền thống vốn được xây dựng trên nền tảng tư tưởng Nho giáo nay đã rạn nứt. Các thế hệ cũ - mới, già - trẻ mâu thuẫn, không hiểu được nhau. Miêu tả xung đột giữa mới - cũ, Khái Hưng thể hiện thiện cảm rõ rệt với phái mới, đồng thời phê phán phái cũ. Trong tiểu thuyết của ông, thế giới người cũ hiện lên là thế giới hủ lậu, là những thói xấu: Tham lam, hám tiền tài, hảo danh vọng, giả dối, ghen ghét, đố kỵ...
Khái Hưng đã thể hiện tính nhân văn khi không những chỉ ra những điều tốt đẹp mà còn chỉ ra những thói xấu của con người, những dấu hiệu rạn nứt từ các mối quan hệ trong đại gia đình phong kiến. Trong mối quan hệ vợ chồng, tác phẩm phần lớn xoay quanh hai nhân vật An và Nga. An là nhân vật chính của Gia đình. Anh cảm thấy đời mình trống rỗng vô vị "chàng không còn tin ở cái quan niệm sự sống và cách bày trí tương lai của chàng. Và chàng cảm thấy sự trống rỗng vô vị dần dần lấn sâu mãi linh hồn. Hôm nay cũng như hôm trước đây, chàng vác súng đi săn là để cố lấp kín sự trống rỗng đó. An lấy vợ, lấy vợ không phải vì chàng mà chỉ vì gia đình, vì tổ tiên, vì những người chết...", Cưới để chạy tang, một cuộc hôn nhân ép buộc, không xuất phát từ tình yêu.
An đi học thêm đại học, rồi ra xuất chính. Đó không phải là mong ước của chàng mà là vì mẹ vợ (bà Án Báo), vì anh rể (Huyện Viết), vì em vợ, đặc biệt vì vợ, vì những ghen tị khích bác trong đại gia đình. Vì cái tính nhu nhược mà cuộc đời của An như một bức tranh vẽ sẵn và phải răm rắp thực hiện cũng vì hai chữ “gia đình”. Nga chỉ có một ý nguyện làm bà lớn, nên thúc ép An phải học lên để ra làm quan. Nga đã dùng mọi thủ đoạn để đạt mục đích: Nói ngọt, dỗ dành, khích bác, lôi kéo bố mẹ, chú, cậu, anh em để tấn công thúc ép chồng. Thậm chí, Nga mất hết cả vẻ dịu dàng, nền nếp của con nhà gia giáo, càng lúc càng quá đáng, khiến An đau khổ đến mức muốn tự tử để thoát khỏi ngục thất gia đình. Cuối cùng chàng đành đầu hàng vợ để cho gia đình êm ấm, và vì cái bào thai trong bụng Nga.
An bị bao vây bởi không khí và định kiến chung của xã hội, nhất là gia đình: "Tấn bi kịch gia đình cách vài ngày lại diễn ra một lần, mà tình ái giữa hai vợ chồng ngày một thêm phai nhạt". Cuộc sống vợ chồng giữa Nga và An xuyên suốt tác phẩm là cuộc xung đột về chí hướng, một cuộc chiến tranh cân não kéo dài, kể cả việc biết An ong bướm Nga vẫn giả vờ điềm tỉnh bởi vì đã đạt được mục đích làm bà lớn thì mọi thứ khác không đáng là gì. Xét về mặt tích cực, bản chất của Nga vẫn là người tốt, luôn mong những điều tốt đẹp đến với chồng, hy sinh hết mọi thứ, nhưng cái đích mà nàng muốn đến vẫn là địa vị, là sự hơn thua, ghen ghét, là lòng đố kỵ với chị mình. Từ việc con người không tự quyết định được số phận của mình, họ phải gánh chịu những định kiến xã hội, những ràng buộc từ lễ giáo phong kiến và sức ép từ gia đình, tính nhân văn từ đó toát lên. Dù ảnh hưởng ít nhiều từ văn hóa Tây phương, nhưng gia đình vẫn là một vòng lẩn quẩn trói buộc con người cá nhân. Đồng thời, trong mối quan hệ vợ chồng Khái Hưng ca ngợi hai vợ chồng Bảo và Hạc. Một cuộc hôn nhân xuất phát từ tình yêu, hiểu và thông cảm cho nhau, cùng nhau vượt qua những toan tính đời thường, xây dựng cho mình một cuộc sống không quá đủ đầy nhưng ngập tràn hạnh phúc. Và ít nhất trong họ bằng lòng với thực tại, sống vì nhau, không bon chen với những danh vọng, bỏ mặc những lòng đố kỵ trong gia đình.
Trong mối quan hệ anh chị em trong gia đình, Khái Hưng đã thể hiện một thực trạng đau đớn đó là sự hơn thua, ganh ghét, ích kỷ, hẹp hòi. Ngày giỗ là truyền thống quý báu của dân tộc, nhưng giờ đây đó là dịp để cha mẹ, anh em, chị em họp mặt đông đủ giữa làn không khí hiềm khích bất hòa. Tất cả mọi chuyện bắt nguồn từ địa vị, tiền tài. Phụng là bà Huyện luôn tỏ thái độ khinh miệt chính em ruột mình, cố tạo ra khoảng cách mình là bậc bề trên, trịch thượng, uyền uy, thích ra lệnh và luôn đố kỵ với em mình. Ngày nhận được tin An sắp làm quan là ngày đau buồn với Phụng “…nàng khổ sở quá đến nỗi phát khóc và phải trốn vào nằm trong phòng ngủ. Chiều hôm ấy nàng bỏ cơm, nói dối chồng rằng mình đau bụng”. Vì hờn ghen và lòng đố kỵ mà Nga luôn hơn thua với Phụng và bằng mọi cách để được làm bà Huyện. Không chỉ đố kỵ và toan tính với Phụng, Nga còn toan tính thiệt hơn với em gái của mình. Nga muốn Bảo làm vợ của Hạc không phải vì thương yêu, lo lắng cho tương lai của em, mà là: “Nga muốn Bảo về đó làm dâu để mai sau này khỏi há miệng mỉa mai rằng nhà chồng nàng không phải là một nhà quý phái” vì nàng biết nghịch cảnh của gia đình Hạc, muốn em gái của mình sẽ thua thiệt mình. Hay việc Bảo đến nhà Nga chơi, thay vì tấm lòng chân thành thì Nga tiếp đón niềm nở chỉ vì mục đích: “Nga muốn Bảo nhớ mãi sự đón tiếp long trọng và thân mật của nàng, nhất là sẽ không bao giờ dám phàn nàn hay ngờ vực nàng xấu số lấy phải người chồng quê kệch…. thế nào rồi nó chả kể lại với vợ chồng Huyện Viết, mình mà lụi xụi để đến tai thằng cha Viết nó chê cười”.
Trong gia đình, vị trí người làm cha mẹ là quan trọng nhất. Răn dạy con cháu điều hay, lẽ phải. Thế nhưng, trong tiểu thuyết Gia đình thì thực tế hoàn toàn ngược lại. Chính cha mẹ là nguồn gốc để sinh ra sự rạn nứt các mối quan hệ trong gia đình. Bà Án biết các con ghen ghét và đố kỵ nhau, bà không hòa giải, ngăn cấm mà còn cố tình làm tăng thêm hiềm khích, tìm cách lợi dụng nó để thực hiện ý đồ của mình: “Nga khuyên được chồng xin học nữa để làm quan, bà cho là kết quả của sự ghen ghét. Mà sự ghen ghét ấy có là nhờ tài khôn khéo của bà đã biết gây nó, biết nuôi nó. Nhưng bà vẫn hiềm tức về nỗi người con rể thứ ba đương học đốc tờ lại bỗng dưng bỏ về làm ruộng”. Chính ông bà Án tạo ra ranh giới và khoảng cách giữa các con, làm họ thù hằn nhau, lúc An chưa làm quan “Viết nói bất cứ câu gì, ông nhạc cũng chịu là phải, còn chàng thì trái lại, không bao giờ được ông tin là nói đúng”. Đến khi An ra làm quan thì cách đối xử khác đi qua lời kể của Phụng “khi nó chưa chịu đi học thì thầy mẹ chả coi nó ra cái gì. Thế mà từ khi nó xin được vào trường đại học thì thầy mẹ, nhất là mẹ yêu quý nó như hòn ngọc trên tay”. Ông bà Án đã đem chức quan, địa vị, phẩm giá ra cân đo đong đếm. Ông bà để các con so kè với mục đích làm rạng gia môn, nhưng vô tình nó làm rạn nứt những mối quan hệ vốn tốt đẹp mang tính truyền thống của cha ông.
Vấn đề con người đặt ra không chỉ tồn tại trong mối quan hệ huyết thống trong gia đình, mà còn nằm trong mối quan hệ xã hội và những thối nát chốn quan trường. An là nạn nhân xấu số cho mọi khuôn thước xã hội mà người thân muốn anh vươn tới. Một chiếc áo quá chật bắt chàng phải cố gắng nhồi nhét để mặc vừa. Vì cậu, vì chú, vì vợ…vì đẹp mặt gia đình, dòng họ với xóm làng, chàng phải thay đổi chính mình thi cử để làm quan. Đến khi làm quan thì người chú lại đòi kiện tranh ngôi thứ làm tiên chỉ trong làng, quyền lực và địa vị kéo An đi đến những bế tắc, xét cho cùng cũng chỉ vì danh dự cho cả họ. Hay khi về lễ kỵ, Nga luôn cố thúc ép bắt An thực hiện theo yêu cầu của nàng chỉ vì muốn: “hàng xóm sẽ cho mình là người con hiếu thảo và nhà mình là một gia đình nề nếp, quý phái biết trọng lễ nghi”. Những con người như An không phải sinh ra là để sống cho chính mình, mà sống vì gia đình, lễ nghi, địa vị, là công cụ để dòng họ nở mày nở mặt. Thông qua nhân vật An, Khái Hưng thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đó là con người bế tắc giữa vòng lẩn quẩn của đại gia đình phong kiến, có khát vọng cuộc sống tự do, muốn được tự quyết định cuộc đời mình.
Khái Hưng vẫn ca ngợi những điều tốt đẹp của con người, dù phải thay đổi chính mình vì những ràng buộc từ gia đình nhưng bản chất con người không hề thay đổi: “Thầy chánh tổng đem ít nhiều tiền đến tạ ơn, An không từ chối nữa. Nhưng trông thấy cuộn giấy bạc để trên bàn, chàng vẫn còn ghê tởm, ghê tởm đến nổi không dám mò tay tới, chỉ cầm cái thước gạt mạnh vào ngăn kéo, rồi vội vàng đóng sập lại”. Cuộc sống quan trường, những áp lực từ Nga đã thúc đẩy An không từ chối tiền phi nghĩa nữa, nhưng bản chất sâu thẳm của An vẫn là một ông quan tốt. Đến cuối tác phẩm, tính nhân văn được Khái Hưng thể hiện rất cao khi giữa An và Nga như hiểu nhau hơn, Nga bỗng thấy mình thức tỉnh, quên đi mọi thù hằn, tự thấy mình nhỏ nhen, biết dùng tiền phi nghĩa để làm việc nghĩa. Đó là kết thúc mở. Dù gia đình phong kiến có làm thay đổi bản chất con người, nhưng sâu thẳm trong họ vẫn giữ được những giá trị tốt đẹp.

2.2. Vấn đề con người trong đời sống gia đình qua tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn – Ma Văn Kháng
Khi nói đến gia đình trong tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng không chỉ đơn thuần vấn đề thuộc về “gia đình”, mà kì thực nhà văn muốn nói đến vấn đề con người trong gia đình như thế nào.
            Kết thúc tác phẩm, Ma Văn Kháng viết: “Chính lúc ấy Phượng cũng ứa nước mắt. Phượng thương tất cả mọi người”. Từ câu nói ấy, ta có thể thấy, từng nhân vật trong Mùa lá rụng trong vườn được đặt ở vị trí trung tâm - con người ở địa vị một con người. Phượng thương ai?  Đó là tất cả những thành viên trong gia đình của ông Bằng. Phượng là vợ của Luận, một người con dâu hết mực yêu thương, gắn bó với gia đình chồng. Chị điềm tĩnh, kiềm chế, nhẫn nại, chấp nhận sự hi sinh, thiệt thòi về mình để mọi người được tốt đẹp. Và cùng với chồng, chị luôn muốn giữ gìn gia đình chồng được yên bình, hạnh phúc.
            Mỗi người trong gia đình này đều có một cách nghĩ, cách hành động khác nhau. Mỗi người vừa là một con người trong gia đình và đồng thời cũng là một con người với tất cả những dấu ấn của thời đại, xã hội. Mùa lá rụng trong vườn  đề cập một thực trạng đáng báo động của xã hội: Những người có lối sống ích kỷ, chỉ biết chạy theo dục vọng cá nhân, chạy theo đồng tiền, thoát ly truyền thống, phá vỡ mọi chuẩn mực đạo đức xã hội...Tất cả những điều đó làm băng hoại mọi mối quan hệ gia đình. Trong gia đình ông Bằng xuất hiện hai con người nổi loạn muốn phủ định sạch trơn mọi chuẩn mực đạo đức truyền thống là Cừ và Lý.
Nhà văn đã thể hiện cái nhìn đa phương diện về con người thông qua Lý: “Lý theo tiếng gọi của trái tim thiếu nữ”, “Tựu trung Lý vẫn là một người phụ nữ thông minh, quyền  biến, đầy ý tự lập. Chị một mình nuôi con…”. Yêu Đông, lấy Đông là Lý yêu và lấy một thần tượng, chứ thực ra Lý chưa hiểu gì về con người Đông. Đến khi hai vợ chồng chung sống trong mái nhà sau ngày hoà bình thì Lý hoàn toàn vỡ mộng. Những ham muốn khát khao có điều kiện kích thích chị, Lý đối đầu với nhiều ngoại cảnh chi phối, chị ta thay đổi hẳn. “Hứ, không hiểu sao tôi lại lấy phải ông, ông Đông nhỉ”, nó trở thành câu nói thường nhật mỗi khi chị không bằng lòng với chồng. “Lý bứt ra khỏi cuộc sống chung vô vọng, tẻ nhạt một cách dứt khoát”. Chị chạy theo những dục vọng cá nhân, xa rời những chuẩn mực, đạo đức “Chị đẹp biết bao khi mua cây quất biếu ông bố chồng. Nhưng cũng ở hành vi ấy chị bộc lộ thói ngông ngạo rất đáng ghét. Chị nhiều năng khiếu, giàu ý chí nhưng thấp hèn hẳn địa vị vì thói háo danh, thói đố kị, lòng ích kỉ và thái độ vụ lợi, trắng trợn”. Lý thích ngắm trước gương mỗi buổi sáng: “…Gương tầu soi rất thật mặt, mà lại như soi một người khác, một thiếu nữ đã nẩy nở chín muồi, hoàn thiện về thể chất và nhan sắc… Chị cười với mình trong gương…, bộ ngực hừng hực sức sống của mình, chị rơi vào trạng thái đê mê nhục cảm”. Và Lý tỏ thái độ xem thường mọi người trong gia đình ông Bằng: “Cái lí ở đâu lại khinh rẻ tiền bạc, vật chất, coi thường chức vụ nhỉ”.
Nhân vật Lý có nội tâm phức tạp. Có lúc chị đôn hậu đáng yêu, nhưng có lúc chị đanh đá tàn nhẫn và nanh nọc, ích kỷ với tất cả với mọi người, thậm chí kể cả với con Cừ. “Từ nay, tôi không phải hầu hạ con nào, thằng nào hết”, “Vui. Vui nhất là khi gặp ông cụ nhà này và ba lang Chí. Già rồi mà leo núi khoẻ ra phết”, “Buồng này là của tôi! Là của tôi! Là của thằng Dư!... Đây là nhà vô chủ hả? Đây là quán chợ, hả… Chẳng phải lụy thằng nào con nào hết! Đây tay trắng lập nên cơ đồ. Đây phải có quyền. Đạo đức giả mãi!”.
Mọi người trong xí nghiệp của Lý chỉ chú ý vào kết quả mà không quan tâm đến hành vi và cách thức làm việc của Lý. Mặt khác, họ còn tâng bốc Lý quá mức. Nào là "cô là con người năng động nhất", nào là "chị ấy là con dao pha của chúng tôi".  Lý nhầm tưởng những hành động của mình là thức thời, năng động phù hợp với xu thế thời đại. Từ đó, Lý có cái ảo tưởng mình có vai trò rất quan trọng "chị ngây ngất vì vinh quang, lòng tràn ngập cái cảm giác mình là nhân vật nổi trội nhất, tài năng nhất, có quyền hành cao nhất lúc này". Từ đó Lý bộc phát ra những nét trâng tráo, vô liêm sỉ, bản năng và hoang dã. Chị buông thả theo lối sống phóng túng, sa đoạ, trác táng với tay trưởng phòng vật tư thoái hoá biến chất. Sự hư hỏng của Lý diễn ra dần dần theo một quá trình buông thả mà không được sự hướng dẫn, giáo dục của tập thể, người thân. Lý vừa thiếu một nền tảng, căn cốt văn hoá vừa thiếu một người tri kỷ, định hướng nâng đỡ về tinh thần, lại chịu tác động mạnh mẽ những mặt trái của kinh tế thị trường, khiến chị không cưỡng lại được sự cám dỗ vật chất.
 Cừ là một đứa con hư hỏng, bị những suy nghĩ sai lầm biến thành kẻ nhỏ nhen, ích kỉ, coi tất cả chuẩn mực đạo đức là vô nghĩa. Cuối cùng, bằng chuỗi thất bại cay đắng của cuộc đời mình, Cừ đã nhận ra tất cả. Nhưng trong lá thư anh gửi về cho cha, cứ nhức nhối một suy nghĩ: “Con đã thấy ba cố duy trì cái nền nếp có trăm ngàn điều nhỏ nhặt ấy mà cốt lõi là xây dựng một gia đình hòa thuận, trên kính dưới nhường, trọng nghĩa khinh tài, hướng về sự phát triển đạo đức, tinh thần là chủ yếu… Con đã được sống trong cái nền nếp ấy với tất cả những sung sướng và phiền hà do nó gây ra, cũng như con được hưởng tình thương yêu và sự hà khắc của ba mẹ”, Cừ viết trong thư:“Tất cả đều thành qui phạm. Nhất là trong các mối quan hệ. Trên bảo sao, dưới phải nghe vậy…..”. Chính những suy nghĩ sai lầm ấy đã dẫn anh đến những sa ngã của cuộc đời, để rồi Cừ quyết định giải thoát bế tắc đời mình bằng cái chết đầy oan nghiệt và cô đơn nơi đất khách quê người. Bi kịch của Cừ khiến người đọc không khỏi băn khoăn: Cách giáo dục con cái bằng sự nghiêm khắc có phần áp đặt của ông Bằng liệu có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến chuỗi sai lầm của cuộc đời Cừ! Giá như ông Bằng hiểu được tâm tư, tình cảm của con, giá như mọi ấm ức của Cừ được giải tỏa từ những ngày niên thiếu, thì có lẽ cuộc đời Cừ sẽ khác.
 Mùa lá rụng trong vườn là hồi chuông cảnh tỉnh những người có tư tưởng thủ cựu, cố duy trì, níu kéo những gì không còn hợp thời. Trong tác phẩm, ông Bằng là người đại diện cho lớp người đó.
Ông là người cố gắng duy trì cái nề nếp cổ xưa, với hàng trăm điều nhỏ nhặt nhằm xây dựng gia đình hoà thuận, kính trên nhường dưới, trọng nghĩa khinh tài, hướng về sự phát triển đạo đức tinh thần. Đối với ông danh dự gia đình là trên hết. Đồng thời, ông là người đặt ra cái qui phạm, cố gắng giữ qui phạm kiểu “gia đình trí thức còn giữ nhiều nếp cổ truyền – tứ đại đồng đường, dù không thật điển hình”. Nhà văn như đặt ra một câu hỏi phản đề, liệu việc ông Bằng có tình cảm với bà lang Chí đó có phải là tính qui tắc được phá vở bởi tình cảm trần tục của con người! Hẳn nhiên về khía cạnh nhân văn thì đó là việc làm tuân theo quy luật tình cảm, cho nên ông Bằng thấy mình hạnh phúc trong những ngày cuối đời, khi được ở bên các con và cả người bạn già, dù ông buồn bã về chuyện Cừ ra đi sang Canada xa xôi sau khi đào nhiệm. Lý, Cừ và cả ông Bằng, Cần là sản phẩm của tự nhiên, họ đã tuân theo hình thái xã hội. Chính những việc làm ấy tuy rất phi lí mà đại diện là nhân vật Lý với lối sống ích kỷ, buông thả theo những dục vọng thấp hèn, coi đồng tiền là trên hết, bất chấp những nguyên tắc luật lệ của đạo đức xã hội, làm đảo lộn những gì trước đây cho là thiêng liêng, cao cả. Nhưng tất cả nhân vật trong tác phẩm đều có những hành động và những suy nghĩ rất người. Vì sao cho là phi lí, song lại hợp lí? Câu trả lời chắc hẳn là giữ những gì, buông sã những gì để cho khái niệm gia đình như thế nào mới là đúng nghĩa khi chúng tiếp biến với bước chuyển của xã hội.
Nhà văn đã tạo ra tính nhân văn khi miêu tả con người ở địa vị của một con người. Từng nhân vật trong Mùa lá rụng trong vườn có thế giới nội tâm biến động qua ngòi bút miêu tả sâu sắc, tài tình của Ma Văn Kháng.
            Ông Bằng sững lại khi nhìn thấy chị Hoài. Mắt ông chớp chớp liên hồi, môi ông bật bật không thành tiếng có cảm giác ông sắp khóc oà. Còn chị Hoài: “Gần như không chủ động được mình, lao về phía ông Bằng…Gọi nghẹn ngào trong tiếng nấc ông”. Sự xúc động tâm trạng bởi lo lắng trước những biến động theo chiều hướng không vui của gia đình. Suốt bữa ăn ông Bằng lững lơ giữa hai trạng thái “tin cậy và lo sợ, an toàn và bất ổn”. Và ông thực sự lo lắng cho sự tồn tại của kiểu gia đình truyền thống nhiều thế hệ chung sống với nhau mà ông đã dày công vun đắp nên “liệu có thể vững vàng trong cuộc sống xây dựng đang có nhiều khó khăn, lắm bê bối này?”. Nghĩ về gia đình “lòng ông bao giờ cũng êm ả, bao giờ cũng gắng tạo ra cảm giác yên lòng”. Ông đã có những dòng suy nghĩ sâu sắc về gia đình “Thiêng liêng thay cái tế bào xã hội nhỏ nhoi này. Nhỏ nhoi vậy mà là nền móng, mà kết hợp trong đó bao quan hệ. Tình cha con, vợ chồng, anh em, những quy tắc luân lí bất thành văn, bám rễ sâu vào huyết mạch, tâm cảm, giằng níu mọi người trong những giao kết, liên hệ vừa nghiêm chỉnh vừa thân mật”.
            Ở nhân vật Đông, vừa chân chất, thực thà, chịu đựng, cọc cằn, Đông lại vừa vụng về, vô tâm, ít kinh nghiệm, con người giản đơn và thụ động. Đông không lăn xả vào cuộc sống, không gắng gỏi điều chỉnh cuộc sống và chính sự thản nhiên quá ấy của Đông, có lúc hóa ra tàn nhẫn, vô tâm. Nhưng chính nó là cái phần rất thực của một con người với bản tính và cuộc sống hiện thực. Bên cạnh Đông, là hình ảnh của Luận, một nhà báo trẻ, sống có ý thức và đầy trách nhiệm,“nghề làm báo bồi bổ cho anh cái ý thức bám chặt vào cuộc đời”. Luận là người sống có lí tưởng, năng nổ, có tình yêu thương, tận tụy và biết xây dựng hạnh phúc gia đình trong điều kiện sống vật chất còn nhiều khó khăn. Đối với cha, với anh chị, anh luôn thể hiện sự kính trọng, lễ phép. Với vợ, anh luôn lo lắng, yêu thương, luôn an ủi, động viên, chia sẻ với vợ những lúc khó khăn. Đối với xã hội, anh luôn làm tròn bổn phận của mình. Anh còn hăng say trong công việc, thấy được vẻ đẹp đời sống tinh thần của lao động sáng tạo, sức mạnh của truyền thống văn hóa, dân tộc, ý thức được mối quan hệ cá nhân – gia đình – xã hội. Nhắc tới nhân vật trong Mùa lá rụng trong vườn ta cần phải nhắc đến chị Hoài, một người dâu trưởng nết na, thùy mị. Dù chồng đã hy sinh, chị đã có hạnh phúc mới, nhưng chị vẫn hướng về gia đình chồng với tất cả tình yêu thương, tấm lòng chân thành, gắn bó. Tuy cuộc đời của chị không may mắn nhưng chị sống rất tình nghĩa, mặn mà, nhân hậu, thủy chung.
            Đối với nhân vật Đông, lấy được Lý, Đông mãn nguyện: “Cô thử nghĩ xem, hoàn cảnh nhà mình: Con lớn thì đi học nước ngoài, hai vợ chồng khoẻ mạnh, đồng lương không đến nỗi, có gì phàn nàn đâu nữa. Còn xã hội thì cũng có gì phức tạp lắm đâu.” Có thể nói tâm lí của Đông chuyển từ sự bình thường sang phức tạp. Anh ta vô tâm, vô trách nhiệm và thái độ thụ động trước hoàn cảnh của Đông - một trung tá đã trải qua mấy chục năm "vào sinh ra tử". Cuộc sống vợ chồng đối với Đông như vậy là đủ nhưng trước sự thay đổi của Lý khiến anh “Đông không còn Đông như mọi ngày”, “Câm ngay! Tôi cấm cô động đến chuyện cụ và bà Chí.”, “Cái đó thì…  tuỳ các đồng chí thôi!”.
Nội tâm nhân vật Lý, Đông, ông Bằng, Luận luôn biến động theo những thay đổi trong gia đình tứ đại đồng đường tất cả là do khách quan lẫn chủ quan. Nói như nhân vật Luận “Con người cần phải được thể tất, cần phải nâng đở, dắt dìu”. Cần nói: “Em cho rằng, công nghiệp hoá xong thì sẽ thanh toán hàng loạt cái xấu!”. Như vậy hoàn cảnh sống chi phối, tác động có thể làm cho con người tốt lên hay xấu đi. Nhất là trong sáng tác văn chương, hoàn cảnh nhân vật thể hiện bản chất của mình. Trong gia đình ông Bằng, nhân vật Phượng là một người phụ nữ tốt, dù mọi hoàn cảnh nào Phượng cũng thương tất cả mọi người, chị hàn gắn, khuyên Đông bỏ qua lỗi lầm cho Lý. Và thông qua hoàn cảnh của nhân vật buộc mọi người cũng phải suy nghĩ để có hành động tích cực. Trong gia đình truyền thống có nhiều gia đình nhỏ khác nhau, và làm sao có sự ấm cúng trong gia đình trước sự tác động đáng ngại của xã hội thời mở cửa.
Nhà văn còn hướng ngòi bút của mình để viết về những người tìm kiếm lối sống mới mẻ, đúng đắn và có ý nghĩa. Đại diện cho lối sống này là Cần và Vân, những người với những tư tưởng tiến bộ. Họ dám đứng lên bảo vệ tình yêu, làm chủ hạnh phúc cuộc đời mình. Trong tình yêu họ sống trọn vẹn, thắm thiết, đối với đất nước họ sống có trách nhiệm, cống hiến hết mình, họ đã sống một cuộc sống đầy ý nghĩa, biết sống hòa hợp giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, gia đình.
Sự xáo trộn dữ dội như một quy luật tất yếu của xã hội trong thời kỳ chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường đã ảnh hưởng đến mọi gia đình Việt Nam. Nhà văn Ma Văn Kháng đã dùng hình ảnh ẩn dụ mùa lá rụng – giá trị thẩm mĩ để nói lên qui luật đó. Thông qua hình ảnh gia đình ông Bằng, nhà văn Ma n Kháng còn muốn khẳng định với chúng ta: Khăng khăng giữ lại tất cả những gì của ngày xưa không phải là chuyện hợp thời, nhưng thoát ly truyền thống, phá vỡ mọi nề nếp nhất định sẽ dẫn tới bi kịch. Gia đình cần đổi mới nhưng không được lãng quên những tinh hoa, truyền thống.
            3. Sự giống và khác nhau giữa vấn đề con người trong đời sống gia đình qua hai tiểu thuyết Gia đình của Khái Hưng và Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng
Gia đình của Khái Hưng và Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng ra đời trong hai giai đoạn lịch sử khác nhau, nhưng đã có sự gặp gỡ là cùng bàn về vấn đề con người trong đời sống gia đình. Đó là sự trăn trở day dứt trước những đổi thay, chuyển giao tư tưởng cũ và mới. Các tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn nói chung và Gia đình của Khái Hưng nói riêng đã khai thác vấn đề con người trong đời sống gia đình rất hiệu quả. Sau một thời gian dài nền văn học phục vụ cách mạng, phục vụ tiếng nói chung của dân tộc, thì sự ra đời của Mùa lá rụng trong vườn đánh dấu sự diễn tiến của đề tài này trong văn học.
Khái Hưng và Ma Văn Kháng đã chỉ ra được tác nhân tác động đã trực tiếp và gián tiếp làm thay đổi quan điểm sống ở các thành viên trong gia đình, cũng như các giá trị truyền thống bị đảo lộn bởi những cách nhìn sai lầm, thiển cận. Ngoài những trăn trở về sự băng hoại đạo đức, hai nhà văn còn ca ngợi những lối sống đúng đắn và những tình yêu tự do, chân thật, đồng thời hướng con người đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Nếu Gia đình – Khái Hưng chỉ ra thực trạng con người cá nhân bị trói buộc trong những lễ giáo phong kiến, loay hoay tìm cho mình sự tự do, thì Mùa lá rụng trong vườn là sự trăn trở của Ma Văn Kháng cố gìn giữ lại những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Không quá máy móc, cổ hủ nhưng tránh tư tưởng phủ định sạch trơn. Một thông điệp nhà văn gửi gắm trong tác phẩm là đổi mới phải gắn liền với kế thừa, hoà nhập nhưng không bao giờ hoà tan những tinh hoa truyền thống dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét